Huy động vốn khó khăn
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, luật hiện hành quy định các công ty tài chính không được huy động tiền gửi từ người dân mà chỉ được phát hành trái phiếu hoặc chứng chỉ tiền gửi đối với tổ chức làm nguồn vốn đầu vào. Tuy nhiên, huy động vốn bằng hình thức trái phiếu hiện đang rất khó bởi thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam còn chưa hoàn chỉnh nên không dễ gì các công ty tài chính huy động được nhiều.
“Số liệu mà chúng tôi tổng hợp cho thấy tổng vốn huy động của nhóm công ty này chỉ khoảng 40 nghìn tỷ, chiếm khoảng 0,7% lượng vốn huy động của toàn hệ thống tổ chức tín dụng. Ước tính trong quý đầu năm nay các công ty tài chính chỉ huy động được khoảng 500 - 700 tỷ trong khi cả khối ngân hàng lên đến hơn 200 nghìn tỉ” – ông Lực nói tại buổi giao lưu trực tuyến về Đường đi của lãi suất năm 2017.
Trước đó, một số ý kiến quan ngại cho rằng việc các công ty tài chính phải đẩy lãi suất lên cao trong gần đây (tới hơn 10%/năm) là để cạnh tranh với các ngân hàng, khiến các ngân hàng phải dè chừng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đó là mối lo không có cơ sở.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Đức Độ, quy mô của các công ty tài chính còn quá nhỏ, lĩnh vực hoạt động lại khác so với ngân hàng, tính cạnh tranh không lớn nên không thể xem là yếu tố tạo áp lực hay là đối thủ về huy động vốn của các ngân hàng trên thị trường được.
Hơn nữa, việc các công ty tài chính phải đẩy lãi suất lên cao hơn so với mặt bằng huy động vốn của các ngân hàng, kể cả là chứng chỉ tiền gửi cũng có lý do của họ.
Theo phân tích của TS. Nguyễn Trí Hiếu thì các ngân hàng nhờ uy tín nhất định, được giám sát chặt chẽ của NHNN cũng như có năng lực và sức khỏe tài chính tốt hơn nên họ dễ dàng huy động được nguồn vốn với lãi suất thấp hơn. Trong khi đó các công ty tài chính có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao hơn, độ rủi ro cũng cao hơn nên các khách hàng đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi các công ty tài chính nhận được lãi suất cao hơn cũng là tất yếu.
Rủi ro lớn thì lãi suất cho vay không thể thấp
Các công ty tài chính hiện nay cho vay toàn toàn bằng hình thức tín chấp. Những thứ được xem là “tài sản bảo lãnh” để họ quyết định có giải ngân cho khách hàng hay không chỉ bao gồm chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu, bảng chứng minh thu nhập hoặc hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Trong khi đó người vay có thể được vay tối đa lên đến 100 triệu đồng.
Không chỉ là điều kiện cho vay dễ, thời gian và thủ tục giải ngân của các công ty tài chính cũng nhanh chóng hơn nhiều so với các ngân hàng, thường chỉ giải quyết trong vòng vài giờ đồng hồ.
Về lãi suất, có 3 nguyên nhân cho thấy lãi suất của nhóm các công ty tài chính cao hơn ngân hàng là tất yếu.
Thứ nhất, do chi phí vốn đầu vào của công ty tài chính thường cao hơn so với chi phí huy động vốn của ngân hàng như đã phân tích ở trên.
Thứ hai, lãi suất cho vay tỷ lệ thuận với rủi ro, vì rủi ro cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính cao hơn nhiều so với ngân hàng bởi điều kiện và thủ tục cho vay dễ dàng, hoàn toàn là tín chấp nên lãi suất phải cao để bù đắp rủi ro.
Và thứ ba, các khoản cho vay các công ty tài chính đều có giá trị thấp, nhỏ lẻ, kỳ hạn vay ngắn dẫn đến các chi phí thẩm định, chi phí đòi nợ, chi phí quản lý khoản vay, chi phí phục vụ cao hơn bình thường.
Nói rằng lãi suất của nhóm công ty tài chính cao nhưng thực tế cho thấy lãi suất của nhóm này hiện chỉ phổ biến ở mức trên dưới 30%/năm, rất hiếm các trường hợp có lãi suất cao trên 50% và nếu có thì rơi vào nhóm khách hàng có lịch sử tín dụng cực xấu, khả năng trả nợ thấp và bị phạt vì trả chậm.
Tuy nhiên, vì các khoản vay từ công ty tài chính đều có thời hạn ngắn nên nếu chia đều theo tháng thì mức lãi suất cho vay này chỉ dao động khoảng gần 2% - thấp hơn nhiều so với lãi suất chợ đen.
Thực tế trên thị trường hiện nay cho thấy, việc cho vay của các công ty tài chính cũng chưa thấm vào đâu so với cầu vốn của khách hàng. Các báo cáo thống kê cho thấy tổng dư nợ của nhóm này chỉ khoảng 50 nghìn tỷ đồng, rất nhỏ so với quy mô thị trường cho vay tiêu dùng nói chung và chỉ chiếm khoảng 5% trong thị trường cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng.
Còn nếu so với tổng quy mô tín dụng của toàn bộ nền kinh tế tới hơn 5,5 triệu tỷ đồng (năm 2016) thì con số 50 nghìn tỷ của các công ty tài chính chỉ chiếm chưa đến 0,01%.
Ai cũng thừa nhận rằng thị trường tài chính tiêu dùng đầy tiềm năng, nhu cầu vốn của nhóm khách hàng dưới chuẩn – đối tượng không thể tiếp cận được vốn ngân hàng vì các nhà băng còn bị ràng buộc về quy định an toàn, về quản trị - là rất nhiều và những khách hàng này họ đã và đang phải vay mượn tín dụng đen với lãi suất cắt cổ cùng những rủi ro luôn rình rập. Chính vì vậy, sự ra đời của các công ty tài chính, dù với lãi suất cao hơn ngân hàng, nhưng đã và đang góp phần kiến tạo một thị trường vốn vay tiêu dùng minh bạch với sự quản lý của pháp luật rõ ràng đang là một giải pháp tốt cho toàn bộ nền kinh tế và cần được ủng hộ để phát triển bền vững.
Lao động
Nguồn: cafef.vn