Cùng với việc điều chỉnh tăng tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), một mặt bằng giá mới được thiết lập, không chỉ trên thị trường tiền tệ mà sẽ là mặt bằng giá nói chung. Chỉ số giá tiêu dùng CPI đã và sẽ tăng trở lại.
Điều chỉnh tỷ giá là tất yếu, nhưng…
Quyết định sử dụng nốt 1% mức điều chỉnh tỷ giá còn lại của năm nay giữa đồng Việt Nam và đồng đôla Mỹ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được đánh giá là phù hợp, đúng thời điểm. Cho dù đến tận chiều ngày 6/5/2015, Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN vẫn khẳng định: tỷ giá tăng là do yếu tố tâm lý. Thế nhưng, ngay sáng sớm ngày hôm sau (7/5), NHNN đã quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá. Song đây không phải là quyết định vội vàng. Vì theo nguồn tin của doanh nhân, lãnh đạo NHNN và một số ngân hàng thương mại lớn đã mất cả ngày 5/5 để họp bàn về vấn đề này.
Tại sao NHNN không để dành “chỉ tiêu” 1% còn lại cho những tháng cuối năm - vốn là thời điểm tỷ giá hay có diễn biến phức tạp? Hay NHNN đã thay đổi phương thức điều hành tỷ giá là tăng rồi sẽ giảm? Khả năng này hơi khó trong bối cảnh hiện nay. Sức ép thị trường là có thực, nếu không can thiệp đủ mạnh, NHNN khó có thể giữ được thị trường ngoại tệ ổn định. Vì từ Diễn đàn kinh tế mùa Xuân hồi tháng 3/2015 vừa qua, không ít chuyên gia đã “mở đường” cho NHNN trong việc điều hành tỷ giá khi đưa ra lời khuyên: NHNN không nhất thiết phải giữ đúng lời hứa. Nhưng cho đến lần trả lời phỏng vấn báo chí gần đây nhất, hôm 7/5, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng không đề cập đến vấn đề này mà chỉ nói chung chung về định hướng điều hành tỷ giá trong thời gian tới: ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối trên mặt bằng giá mới; điều hành một cách phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô.
Mức lãi suất huy động tiền đồng phổ biến là 6,5%/năm với kỳ hạn 12 tháng
Tỷ giá tăng là đòi hỏi tất yếu của thị trường, nhưng từ đây cũng bộc lộ nhiều vấn đề, trước hết là lãi suất tiền gửi ngoại tệ. Việc NHNN giảm trần lãi suất huy động ngoại tệ về 0,75%/năm (tháng 10/2014) đã khiến lượng ngoại tệ gửi vào ngân hàng thương mại giảm sút đáng kể. Trong khi đó, lãi suất tiền đồng tuy giảm nhiều, nhưng vẫn còn khá hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi bằng đôla Mỹ, cộng với việc giá vàng liên tục giảm đã khiến lượng tiền gửi bằng nội tệ tăng đáng kể thời gian qua.
Hai năm gần đây, tuy kiều hối vẫn tăng mạnh, nhưng không còn chảy vào ngân hàng nhiều như trước vì lãi suất không còn hấp dẫn. Trong khi đó, vì lãi suất cho vay ngoại tệ thấp nên nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ vay. Về phía các ngân hàng, tăng trưởng tín dụng thấp trong hơn 2 năm qua đã khiến họ tìm mọi cách đẩy tín dụng ra, kể cả tín dụng ngoại tệ. Thêm vào đó, đối tượng được vay ngoại tệ đã được mở rộng hơn trước. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cầu ngoại tệ tăng, dẫn tới tăng áp lực lên tỷ giá thời gian qua.
Thị trường tiền tệ sẽ có nhiều hệ lụy
Giờ đây NHNN liệu có nên tăng lãi suất để thu hút tiền gửi bằng ngoại tệ? Điều này sẽ đi ngược với chủ trương chống đô la hóa nền kinh tế mà NHNN theo đuổi bấy lâu nay. Cho dù thực tế là đề án chống đô la hóa nền kinh tế (được khởi thảo từ thời Thống đốc Nguyễn Văn Giàu) đến nay vẫn chỉ nằm ở dạng dự thảo và đang nằm ở một vụ chức năng của NHNN, chưa biết khi nào mới đến giai đoạn lấy ý kiến đóng góp chứ đừng nói đến chuyện ban hành.
Không những thế, nếu NHNN điều chỉnh tăng lãi suất ngoại tệ sẽ tác động đến cả lãi suất tiền đồng. Vì lãi suất tiền gửi giữa đồng đô la Mỹ và tiền đồng luôn phải có khoảng cách nhất định nhằm giữ sức hấp dẫn cho đồng nội tệ. Nếu vậy, trần lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn dưới sáu tháng sẽ phải tăng theo, từ đó tác động dây chuyền đến hàng loạt vấn đề khác như: lãi suất cho vay tăng, chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng, cộng với việc tăng giá của háng hóa thiết yếu sẽ khiến lạm phát tăng... Nhưng, NHNN cũng sẽ phải cân nhắc, sớm đưa ra quyết định về vấn đề này. Vì ngay lúc này, thanh khoản của các ngân hàng bắt đầu có dấu hiệu bất ổn.
Khoảng cách giữa lãi suất kỳ hạn ngắn và dài bị thu hẹp, đường cong lãi suất không còn đẹp như trước
Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm đã khả quan hơn (tăng 2,78%) - cao nhất so với cùng kỳ của ba năm gần đây. Trong khi đó, huy động vốn lại giảm sút. Chưa kể, việc sáp nhập một số ngân hàng cũng sẽ khiến ngân hàng lớn càng lớn hơn, bởi họ kế thừa mạng lưới chi nhánh của ngân hàng bị sáp nhập. Điều này khiến các ngân hàng khác bỗng dưng bị nhỏ đi, trong tương quan với các ngân hàng lớn, cả về quy mô hoạt động lẫn tài sản. Sự khác biệt nói trên dẫn đến khó khăn cho các ngân hàng nhỏ trong việc huy động vốn. Do vậy, vũ khí cạnh tranh tốt nhất của họ vẫn sẽ là tăng lãi suất huy động.
Không những thế, hiện cả thị trường chứng khoán và bất động sản đã bắt đầu khởi sắc trở lại, sẽ hút một lượng vốn đáng kể. Do đó, các ngân hàng có thể sẽ tăng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn và giảm lãi suất huy động kỳ hạn dài. Vì từ tháng 2/2015, theo Thông tư 36, NHNN đã cho phép các ngân hàng sử dụng đến 60% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. Không những thế, theo yêu cầu của Chính phủ, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay trung dài hạn thêm 1 - 1,5%.
Việc lấy ngắn nuôi dài của các ngân hàng thương mại sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Hiện biểu lãi suất huy động của các ngân hàng, ngay cả giữa các ngân hàng thương mại Nhà nước, nay đã có sự khác biệt. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn dưới sáu tháng của các ngân hàng chưa chạm trần 5,5%/năm (theo quy định từ tháng 10/2014 của NHNN). Nhưng ở kỳ hạn sáu tháng, lãi suất huy động của các ngân hàng đã phổ biến ở mức 5,3%/năm, cao nhất là 5,7%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất huy động phổ biến là 6 - 6,5%/năm. Đáng chú ý là trên biểu lãi suất công bố của mình, Vietinbank chỉ huy động đến kỳ hạn chín tháng. Ngược lại, BIDV lại có mức lãi suất khá hấp dẫn cho kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm, cao hơn mức 6% của Vietcombank và Agribank ở cùng kỳ hạn này.
Khoảng cách giữa lãi suất kỳ hạn ngắn và dài bị thu hẹp, đường cong lãi suất sẽ không còn đẹp như trước. Điều này báo hiệu thị trường trong thời gian sắp tới có thể có những biến động. Việc quan ngại về lạm phát tăng mạnh trong năm nay là quá sớm, nhưng vấn đề nằm ở năm sau, khi độ trễ của những chính sách hiện nay chín muồi, cũng là thời điểm cho những bất cập bộc lộ.
Doanh nhân
Nguồn: cafef.vn