Gần đây, một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động, đặc biệt là qua chứng chỉ tiền gửi (CCTG). Vậy mục đích của các ngân hàng khi phát hành chứng chỉ tiền gửi là gì?
Trao đổi với chúng tôi, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết CCTG không phải là công cụ mới. Nó bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1994 với mục tiêu để các TCTD huy động vốn trung hạn để đa dạng hóa hình thức huy động vốn của mình. CCTG cũng cho phép lãi suất hết sức linh hoạt. Ví dụ hiện nay, các đơn vị phát hành cho phép lãi suất ban đầu, hay năm thứ 2 ở mức cố định, sau đó mới thả nổi. Chính vì thế, trong bối cảnh Việt Nam huy động vốn trung dài hạn khó khăn thì đây là một công cụ hữu hiệu.
Tuy nhiên điều đáng chú ý là nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất mà BIDV, VietinBank, Vietcombank lại không có động thái gì?
Theo lý giải của TS. Cấn Văn Lực, ở các ngân hàng cỡ trung bắt đầu huy động CCTG nhiều hơn và tăng lãi suất ở mức độ cao hơn, lý do chính là vì họ có quy mô và cơ cấu vốn còn bất cập.
"Hiện nay chúng ta chưa xếp hạng ngân hàng nhưng những ngân hàng nhỏ hơn thì vẫn được cho là có độ rủi ro cao hơn, nên họ phải trả lãi suất cao hơn để hút tiền huy động. Nhưng nhìn chung điều này không xảy ra ở toàn bộ hệ thống. Cho nên tôi cho rằng đó là bài toán kinh doanh bình thường của mỗi ngân hàng", ông Lực cho biết.
Ngoài ra, ông Lực chỉ ra mục đích các ngân hàng tăng lãi suất thông qua các CCTG là để đáp ứng điều kiện của Thông tư 06 quy định từ năm nay, hệ thống ngân hàng chỉ được phép dùng 50% vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn, vì vậy họ phải chuẩn bị nguồn vốn trung – dài hạn để đảm bảo tỷ lệ này. Cho nên việc phát hành CCTG với lãi suất cao gần đây là hiện tượng và phụ thuộc vào nhu cầu vốn của thị trường. TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng lãi suất sẽ nhích lên nhưng không nhiều, dù cũng là một áp lực đối với thị trường năm nay.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính nhận định nguyên nhân một số ngân hàng đang tăng lãi suất huy động, đặc biệt là qua CCTG chủ yếu là do lệch kỳ hạn tiền gửi ngắn hạn và tiền cho vay mang tính chất trung dài hạn.
Ông Độ chỉ ra, hiện nay, một số ngân hàng ở Việt Nam đang thiếu vốn dài hạn. Nhiều người gửi tiền chỉ muốn gửi ngắn hạn do sợ lãi suất tăng thêm hoặc để còn lướt sóng giữa VND, vàng, USD hay chứng khoán chuyển sang... Điều này khiến các ngân hàng dễ rơi vào trạng thái mất cân đối về kỳ hạn khi các khoản huy động vốn ngắn hạn lại phải đem cho vay với kỳ hạn dài.
"Các CCTG thông thường có đặc điểm là nó ràng buộc người gửi tiền với một kỳ hạn dài cố định, đóng đinh, chứ không cho phép người gửi rút tiền giữa chừng (hoặc được rút nhưng phải bị phạt). Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào các ngân hàng cũng phải trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền, tức là có sự đánh đổi giữa lãi suất và sự ổn định", TS. Độ dẫn giải.
Cùng bàn luận về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - GĐ Khối Phân tích KHCN công ty SSI cho biết lúc có tiền nên gửi ngân hàng nào có tín nhiệm tốt, lãi suất cao... là điều mà người đầu tư chứng khoán hay hỏi.
"Theo tham khảo của tôi tại 3 ngân hàng mới đây họ có mức lãi suất khác nhau. Tại một ngân hàng tầm trung, họ chào lãi suất huy động 7,5 – 7,6%/năm. Một ngân hàng nhỏ, chưa đến mức tái cơ cấu, đang cạnh tranh quyết liệt thì chào lãi suất 8% và thậm chí họ còn bảo tháng sau gửi có thể lên 8,2%. Trong khi đấy, các ngân hàng quốc doanh thì vẫn ổn định, không thay đổi nhiều về lãi suất. Kỳ hạn 1 năm có tăng nhưng vẫn quanh 7%. Đối với 1 người gửi tiền thì lãi suất cao luôn luôn hấp dẫn nhất", ông Linh chia sẻ thông tin.
Ông Linh khuyến nghị khách hàng cần quan tâm đến mức tín nhiệm của ngân hàng. So với các ngân hàng trong diện tái cơ cấu thì các ngân hàng hoạt động ổn định đến bây giờ thì về cơ bản họ sẽ không có vấn đề gì trong ngắn hạn.
"Do đó, theo tôi nên gửi tiền ở ngân hàng có lãi suất cao, kỳ hạn vừa thôi, không nhất thiết phải mua CCTG với kỳ hạn dài", đại diện SSI nêu quan điểm.
Theo Trí thức trẻ
Nguồn: cafef.vn