Tin thị trường

Trang chủ » Tin thị trường

Hệ thống QTDND: Siết chặt liên kết tăng sức cạnh tranh

Hệ thống QTDND: Siết chặt liên kết tăng sức cạnh tranh

Sau hơn 20 năm thí điểm vận hành cũng như củng cố, hệ thống Quỹ tín dụng Nhân dân (QTDND) bước đầu khẳng định sức sống của loại hình TCTD là Hợp tác xã, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, trong Đại hội thành viên năm 2013 vừa được Ngân hàng Hợp tác (NHHT) tổ chức tại Hà Nội ngày 25/3/2014, các thành viên hệ thống đã thẳng thắn thừa nhận tính liên kết giữa các QTDND thành viên với nhau cũng như với ngân hàng đầu mối đã khiến sức mạnh hệ thống chưa được phát huy. Chính vì vậy đây là thời điểm siết chặt liên kết tăng sức mạnh cạnh tranh trong hệ thống QTDND.


Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình phát biểu chỉ đạo tại Đại hội

Tỷ lệ bao phủ thấp…

Tại đại hội, về cơ bản các thành viên thống nhất sự ra đời của Thông tư số 31/2012/TT-NHNN ngày 26/11/2012 khiến vai trò đầu mối hỗ trợ là NHHT rõ nét hơn. Đây cũng là cơ sở pháp lý để hệ thống QTDND hoạt động ổn định, bền vững. Nhìn lại năm 2013, NHHT đã giữ vững được sự ổn định, mục tiêu phát triển bền vững của mình, góp phần đảm bảo cho hệ thống QTDND phát triển ổn định và an toàn.

Đồng thời, NHHT đã có nhiều chính sách hỗ trợ và đầu tư phù hợp, từng bước đa dạng hoá các loại hình sản phẩm dịch vụ đa năng của một ngân hàng hiện đại, thực hiện tốt vai trò đầu mối của hệ thống, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn.

Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường đã qua, các thành viên hệ thống đều thừa nhận năng lực cạnh tranh của các QTDND chưa cao, một phần do quy mô nhỏ bé, một phần do hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, món vay nhỏ, rủi ro cao. Quan trọng hơn, Giám đốc điều hành QTDND xã Nghĩa Thuận (tỉnh Nghệ An) Cao Văn Nhân và các thành viên chỉ ra điểm yếu của QTDND chính là chưa phát huy được hết sức mạnh hệ thống. “Là mô hình hợp tác, song các QTDND mỗi người một kiểu, chỉ lo cho mình mà chưa lo cho hệ thống”, ông Nhân nói.

“Cho đến thời điểm hiện nay, số lượng QTDND là gần 1.145 quỹ nhưng nếu tính về tỷ lệ bao phủ chỉ chiếm 10% số xã. Sau hơn 13 năm triển khai Chỉ thị 57/CT-TW, số lượng QTDND tăng lên không đáng kể. Đây là điều trăn trở của Ban lãnh đạo ngành Ngân hàng đối với hoạt động của hệ thống QTDND ở khu vực nông thôn. Rõ ràng hoạt động của hệ thống QTDND trong việc tái cơ cấu hệ thống đang có vấn đề và cần suy nghĩ một cách nghiêm túc”, Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình đặt vấn đề.

Thực tế cho thấy, nhu cầu các nơi đều nói rằng rất cần mở các QTDND, nhưng các cơ quan quản lý không cấp phép. Gần đây hơn, sau khi thực hiện tổng kết Chỉ thị 57, NHNN Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi, NHHT, NHNN các chi nhánh đã phải xử lý các điểm nóng, một số những bất ổn của một số QTDND. Tuy nhiên, các QTDND này không nằm ở một khu vực mà rải rác trên toàn quốc. “Đây là vấn đề yêu cầu chúng ta phải củng cố, chấn chỉnh để tiếp tục phát triển hệ thống này đúng như Chị thị 57. Củng cố cơ cấu để phát triển, chứ không phải để dừng”, Phó thống đốc Đặng Thanh Bình phân tích.

Hệ thống QTDND mang lại lợi ích nhiều cho nông nghiệp nông thôn, đóng góp nhiều cho kinh tế - xã hội nhưng theo Phó thống đốc, với cách thức hoạt động như hiện nay, hệ thống QTDND “vẫn đi trên con đường cũ” và không thể phát triển được. Bởi QTDND không bao giờ có thể cạnh tranh được với NHTM bằng ưu thế lãi suất, hoặc nhắm tới khách hàng thương mại. Những vấn đề khó khăn của QTDND, cũng trùng lắp với những vấn đề mà NHTM đang đặt ra, phản ánh phương thức hoạt động của QTDND “na ná” như NHTM và điều đó sẽ không giúp hệ thống QTDND phát triển được”.

Thay đổi để phát triển nbền vững

“Tôi biết rằng mọi sự thay đổi đều hết sức khó khăn. Nhưng thực tiễn cho thấy chúng ta phải thay đổi để phát triển bền vững”, Phó thống đốc Đặng Thanh Bình nhấn mạnh.

Theo ông có hai vấn đề lớn đặt ra trong thay đổi của hệ thống QTDND. Thứ nhất là cơ cấu hệ thống. Mỗi QTDND là một pháp nhân độc lập nhưng là thành viên của NHHT. Đây là quan hệ rất đặc thù giữa NHHT với các thành viên. Nhưng với quy mô nhỏ, QTDND dễ bị tổn thương, cần có các tổ chức khác, bạn bè đứng đằng sau trợ giúp, bảo vệ, đó tạo ra sự liên kết.

Phó thống đốc Đặng Thanh Bình nhấn mạnh: “Chăm lo lẫn nhau là câu chuyện hàng đầu và chỉ với khuôn khổ như vậy, hệ thống như vậy chúng ta mới có thể đứng vững cạnh tranh cùng phát triển với các TCTD khác, chúng ta tách rời, chúng ra sẽ hy sinh”.

Vấn đề thứ hai, Phó thống đốc khuyến nghị hệ thống là phải nghiên cứu một phương thức vận động mới, chuyển hướng sát hơn với tổ chức tài chính vi mô, bởi thành viên của QTDND là những người bạn bè, hàng xóm sinh sống trên cùng một địa bàn rất nhỏ. Vì thế, cơ sở để đánh giá cho vay có thể dựa trên quan hệ tín chấp thay vì thế chấp như hiện nay.

Chỉ đạo hệ thống QTDND trong quá trình tái cơ cấu, Phó thống đốc Đặng Thanh Bình nhấn mạnh, trong năm 2014 và những năm tiếp theo, NHHT phải thực sự trở thành ngân hàng của hệ thống QTDND điều này được ghi rất rõ trong Thông tư 31/2012/TT-NHNN. Ngược lại, các QTDND cũng phải có trách nhiệm với NHHT. Sắp tới đây, Đề án tái cấu trúc NHHT và QTDND sẽ được thông qua và NHHT sẽ phải thực hiện hết sức có trách nhiệm với đề án này. Ông cũng chỉ đạo các QTDND phải hướng tới chiến lược dài hạn phù hợp với mô hình của TCTD và nâng cao vai trò quản lý.

Thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo NHHT và Hiệp hội các QTDND rà soát lại những vấn đề yếu kém, vướng mắc của hệ thống để xử lý dứt điểm. Đây là vấn đề mang tính quyết định đến sự phát triển và lành mạnh hóa hệ thống. “1.145 QTDND đang hoạt động sẽ có những bước chuyển đổi để thích ứng với các quy định mới. Nhưng đối với các QTDND mới thành lập trong thời gian tới sẽ phải hoạt động theo đúng những quy định mới và nó sẽ là đối chứng cho tư duy mới của chúng ta. Chúng ta sẽ phải phát triển nhanh và an toàn hơn để cạnh tranh”, Phó thống đốc Đặng Thanh Bình kết luận.

Sẽ có thêm 2 sợi dây liên kết

Tại đại hội lần này, các QTDND thành viên nhất trí cao với việc phải cho ra đời Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND (Quỹ bảo toàn) theo Thông tư 03/2014/TT-NHNN và tới đây là Thông tư quy định về QTDND. Đây chính là hai sợi dây kết nối và siết chặt liên kết hệ thống cũng như đưa định hướng tái cấu trúc hệ thống QTDND về đúng quỹ đạo.

Theo dự thảo thông tư quy định về QTDND, việc cho vay các pháp nhân, các thành viên là tổ chức, cá nhân không phải là thành viên không vượt quá số dư tiền gửi tại thời điểm quyết định cho vay và không vượt quá thời gian còn lại của số tiền gửi. Các QTDND không được vay vốn lẫn nhau để tăng cường vai trò đầu mối điều hòa vốn cho hệ thống của NHHT.

QTDND có trách nhiệm góp vốn xác lập tư cách thành viên và vốn góp thường niên tại NHHT, gửi vốn nhàn rỗi theo quy chế điều hòa vốn do NHHT ban hành, có trách nhiệm cung cấp báo cáo cho NHHT để phục vụ mục tiêu điều hòa vốn, giám sát hệ thống và chấp hành sự kiểm tra giám sát nội bộ của NHHT đối với các hoạt động nghiệp vụ, thực hiện các quy định về an toàn tín dụng.

NHHT sẽ hướng dẫn thống nhất trong hệ thống QTDND về việc thiết kế in ấn thẻ thành viên, thông qua phương án tổ chức hoạt động của nhóm; xây dựng mô hình tổ thẩm định độc lập để thực hiện thống nhất trong hệ thống các QTDND. Đối với những khoản vay lớn, NHHT sẽ cho vay hợp vốn đối với thành viên theo quy định của NHNN…

Tính liên kết của các thành viên sẽ tiến đến một bước cao hơn trong Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn. Theo dự thảo, Quỹ sẽ được hình thành từ 3 nguồn, đó là phí đóng góp từ NHHT và QTDND, chênh lệch thu từ lãi và chi phí trong hoạt động của Quỹ bảo toàn, lợi nhuận để lại từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước tại NHHT và các nguồn thu khác. Mức phí dự kiến trích nộp hàng năm là 0,08% dư nợ cho vay bình quân của năm liền kề trước, kết thúc vào ngày 31/12 của NHHT, QTDND. Các QTDND tại thời điểm trích nộp phí đang phải áp dụng kiểm soát đặc biệt, hoặc năm liền kề trước của thời điểm nộp phí bị áp dụng kiểm soát đặc biệt sẽ không phải nộp phí.

Một đại diện QTDND lý giải, phí nộp bảo hiểm tiền gửi là để “chết thì chôn”, còn với Quỹ bảo toàn giống như thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, hỗ trợ trực tiếp cho thành viên khắc phục khó khăn tài chính để phát triển.

Tổng giám đốc NHHT, ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết: “Quỹ bảo toàn là Quỹ của các thành viên cùng nhau đóng góp để tương trợ lẫn nhau. Với mức cho vay tối đa không vượt quá 1,5 lần vốn tự có, QTDND thành viên không chỉ được vay vốn bù đắp các khó khăn tài chính khi phát sinh rủi ro bất khả kháng, mà còn được cho vay khi kinh doanh thua lỗ nhưng có khả năng phục hồi, có nhu cầu đầu tư trụ sở làm việc, công nghệ thông tin, đào tạo cán bộ… để nâng cao năng lực điều hành nhưng vượt quá khả năng tài chính của Quỹ. Khi tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo toàn đạt 1,5 lần tổng tài sản có của hệ thống TCTD là hợp tác xã, Quỹ sẽ tạm thời ngừng thu phí tham gia của các thành viên”.

Hơn thế, “khi nguồn vốn của Quỹ đủ lớn để tự xử lý những rủi ro trong hệ thống, NHHT sẽ nghiên cứu, đề nghị Chính phủ và NHNN xem xét giảm hoặc miễn đóng phí bảo hiểm tiền gửi cho QTDND và NHHT”, Tổng giám đốc NHHT Đỗ Mạnh Hùng cho biết.

Minh Ngọc - Thời báo Ngân hàng