Như vậy, nếu biết trước được những diễn biến này, những người đầu cơ ngoại tệ sẽ kiếm được một món lời không nhỏ. Tuy nhiên, việc NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá là một điều khá bất ngờ và dường như là một việc chẳng đặng đừng sau khi Trung Quốc phá giá NDT mạnh nhất trong 2 thập niên vừa qua. Câu hỏi đặt ra là liệu tỷ giá có còn điều chỉnh nữa không và có nên mua USD tích trữ vào lúc này?
Trong 1 năm trở lại đây, hầu hết các ngoại tệ mạnh trên thế giới giảm giá mạnh so với USD. Đặc biệt là những đồng tiền ở các khu vực kinh tế lớn như EUR, yen và rúp cũng đang sụt giảm chóng mặt so với đồng bạc xanh. Số liệu từ CNN Money cho thấy 12 đồng tiền lớn trên thế giới đã rớt giá so với đồng USD trong 1 năm vừa qua. Trong đó, đồng rúp của Nga đã lao dốc tới 45%.
Các đơn vị tiền tệ ghi nhận mức sụt giảm trên 20% so với đồng USD bao gồm đồng krona của Thụy Điển (-20%), peso của Mexico (-20%), đô la của Australia (-21%), đô la của New Zealand (-22%) và đồng lia của Thổ Nhĩ Kỳ (-24%). Đồng yen của Nhật hiện cũng đã giảm 18%.
Như vậy, nếu đầu tư chênh lệch tỷ giá các đồng tiền này sẽ mang đến cho các nhà đầu tư một lợi nhuận rất lớn. So với các đồng tiền khác, mức mất giá của đồng NDT và VNĐ của Việt Nam không đáng kể. Do đó nếu có đầu tư chênh lệch tỷ giá giữa USD và các đồng tiền này trong 1 năm qua lợi nhuận cũng rất thấp.
Trên thực tế, sau 1 tuần phá giá NDT và VNĐ đều giảm giá 3-4% so với USD. Việt Nam và Trung Quốc đều là 2 nước áp dụng chế độ tỷ giá hối đoái cố định. Do vậy, tỷ giá chỉ giảm mạnh khi NH trung ương chủ động phá giá. Quan sát cho thấy sức ép phá giá thực sự của Việt Nam hiện nay không còn lớn như trước và NHNN đang chủ động điều chỉnh tỷ giá.
Do vậy, khó có một đợt giảm giá mạnh trong thời gian tới. Như vậy, việc đầu cơ ngoại tệ lúc này cũng sẽ khó mang lại lợi nhuận cao. Ngược lại có thể gặp rủi ro bởi thị trường có thể có biến động lớn khi biên độ được nới ra ±3%.
Sài Gòn Đầu tư Tài chính
Nguồn: cafef.vn