Sau khi chính thức công bố phần chìm của tảng băng, nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam bắt đầu được đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện hơn.
Mức giảm sau đó diễn ra rất nhanh.
Thực ra, không phải đến khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình công bố quy mô thực ở mức hai con số tại diễn đàn Quốc hội cuối 2011, mà từ lâu nợ xấu cũng đã từng được đánh giá ở các cấp độ khác nhau.
Chính thức gọi tên
Bất chấp các nhà chức trách và các tổ chức tín dụng Việt Nam công bố nợ xấu chỉ ở mức thấp và trong tầm kiểm soát, một số tổ chức quốc tế tại một số thời điểm đã tỏ ra e ngại.
Điển hình như những năm 1999 - 2000, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam công bố ở khoảng 13%. Chừng đó cũng đã đủ để báo động đỏ, bởi theo góc độ giám sát an toàn ngân hàng, nợ xấu ở mức 3% thường là đáng quan tâm, trên 5% đã là tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Mức độ báo động đỏ của giai đoạn đó càng cấp thiết hơn khi theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ nợ xấu xét theo chuẩn mực quốc tế không phải là khoảng 13%, mà không dưới 30%!
Trước thực trạng này, giai đoạn 2001 - 2005, cùng với năng lực tự xử của hệ thống các tổ chức tín dụng, Việt Nam đã phải triển khai một chương trình xử lý nợ xấu bằng tiền của ngân sách nhà nước…
Giai đoạn gần đây, như đã đề cập ở bài viết trước , nợ xấu ngân hàng đang quanh quẩn chỉ khoảng trên dưới 3%, sau đó tăng lên 4,93% rồi “bỗng chốc” vọt lên 17,21% tính đến cuối tháng 9/2012.
Về con số tuyệt đối, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, quy mô nợ xấu chỉ là 133.060 tỷ đồng, nhưng rồi nó được đánh giá một cách đầy đủ và chặt chẽ hơn ở mức gần 465.000 tỷ đồng.
Số liệu cách biệt rất lớn như vậy, nhưng không có sự đột biến về thực trạng. Đến lúc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước buộc phải đánh giá lại, ghi nhận một cách đầy đủ hơn, sát thực hơn tình trạng để tính tới các biện pháp xử lý, tái cơ cấu hệ thống cho phù hợp.
Qua kênh giám sát của Ngân hàng Nhà nước, nhiều khoản nợ xấu chính thức được gọi tên. Trước đó, chúng ẩn mình trong trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác cấp tín dụng; các khoản nợ xấu tiềm ẩn do được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ; đặc biệt là cả các khoản nợ từng được biết đến ở quy mô lớn đã được cơ cấu lại của Vinashin và Vinalines.
Giảm như thế nào?
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đã giảm từ 4,93% cuối tháng 9/2012 xuống còn 3,25% cuối 2014.
Còn theo kênh đánh giám sát chặt chẽ hơn của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu từ 17,21% tại tháng 9/2012 giảm xuống còn 4,83% cuối 2014 (tương đương với khoảng 214.900 tỷ đồng).
Số liệu qua kênh giám sát của Ngân hàng Nhà nước được cho là đầy đủ và sát thực hơn. Qua đó cho thấy nợ xấu đã giảm rất nhanh chỉ sau gần ba năm. Song, tốc độ chóng mặt từ 17,21% xuống còn 4,83% có chân thực hay không?
Trước hết, có một diễn biến khác bên lề đáng chú ý. Cùng với việc bắt đầu công bố phần chìm của tảng băng, lần đầu tiên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng “phanh” chuyện lương thưởng và cổ tức từ năm 2012. Lý do, các nhà băng phải nhận diện lại đúng mức độ nợ xấu, lợi nhuận chân thực và đặc biệt là nguồn trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu, tránh tình trạng “được đồng nào xào đồng nấy”.
Đến nay, chính sách trên đã trở thành biện pháp mạnh, qua việc Ngân hàng Nhà nước trực tiếp xét duyệt và giới hạn tỷ lệ trả cổ tức của mỗi ngân hàng. Bên cạnh phản ứng của cổ đông và nhà đầu tư về việc can thiệp quá sâu vào nội bộ ngân hàng, thì một thực tế khác là họ có thêm nguồn lực để dành để ứng phó với nợ xấu.
Sau khi siết lại, cả hệ thống đã dồn được 131.000 tỷ đồng trong gần ba năm để trực tiếp xử lý nợ xấu.
Từ 17,21% giảm nhanh xuống còn 4,83%, một mặt do mẫu số tổng dư nợ tăng lên, một mặt do hệ thống đã xử lý được 311.000 tỷ đồng nợ xấu, mà trong đó phần lớn nhất là từ nguồn lực dự phòng nói trên. Phần này của tốc độ giảm nhanh này là thực.
Một phần khác cũng giảm thực và khá lớn là do khách hàng trả được nợ, ngân hàng xử lý được tài sản đảm bảo… Quy mô của nguồn giảm thực này vào khoảng 61.000 tỷ đồng.
Còn lại, một phần khá lớn nợ xấu giảm được là 119.000 tỷ đồng nợ xấu đã bán lại cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Đây có phải là giảm thực hay không?
Có quan điểm nhìn nhận, phần bán lại cho VAMC chỉ là tạm gạt qua một bên và tình hình nợ xấu “đẹp” lên một phần không thực tế. Tuy nhiên, đây cũng là một cách giảm nợ xấu giãn theo thời gian, khi sau 5 năm các tổ chức tín dụng vẫn buộc phải trích lập đủ 100% phần đã bán đó, mỗi năm 20%.
Và đây cũng là một lý do để Ngân hàng Nhà nước không chế tỷ lệ chi trả cổ tức, hàm ý các ngân hàng đã bán nợ xấu ít nhất phải giữ lại một phần cho yêu cầu trích lập này.
Chênh lệch đang thu hẹp
Cùng với tốc độ giảm nhanh nói trên, chênh lệch giữa hai kênh đánh giá nợ xấu đang có xu hướng thu hẹp lại. Hay, con số các tổ chức tín dụng báo cáo đã gần sát với con số qua giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, tại tháng 12/2013, chênh lệch đó là 2,05% (tổ chức tín dụng báo cáo nợ xấu ở 3,61%, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đánh giá ở 5,66%); tương tự đến tháng 6/2014, chênh lệch còn 1,67% (4,17% với 5,84%); tháng 12/2014, chênh lệch 1,58% (3,25% với 4,83%).
Có hai mốc thời điểm quan trọng dẫn đến việc thu hẹp chênh lệch trên: từ 1/6/2014 và đến 1/4/2015, các tổ chức tín dụng từng bước thực hiện đầy đủ các quy định, chuẩn mực mới về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.
Các bước này nằm trong thay đổi về cơ chế, theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN và Thông tư số 09/2014/TT-NHNN, được đánh giá là chặt chẽ, minh bạch hơn và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
Vneconomy
Nguồn: cafef.vn